Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Phật ở chùa nào ?

Phật ở chùa nào ?



         Mấy năm gần đây mình bỗng " phát hiện " ra thiên hạ hay đi chùa nhiều đến thất thường .Đó có lẽ là một biểu hiện tốt  của đất nước chứ , sao lại thấy thất thường ? ! Là bởi đa phần  người ta đi chùa cốt chỉ để van vái Phật phù hộ cho người ta làm ăn phát đạt , thịnh vượng , phát tài phát lộc ...Những ngôi chùa có tiếng - được quãng bá nhiều - thì khách thập phương chen chúc đổ xô về tranh nhau " cúng "Phật . Có lẽ họ nghĩ rằng Phật ở đấy chức vị cao hơn , linh thiêng hơn chăng ?

        Hôm trước  , mình về quê thăm mộ ông bà  , mình có ghé chùa Phước Long để lạy Phật . Đây là ngôi chùa  hơn trăm năm rồi . Lối xây dựng cổ xưa của ngôi chùa này khiến mình rất thích . Hồi nhỏ mỗi lần đi học về mình vẫn thường dừng ghé lại đây . Khi thì vào trong chùa đi vòng vòng ngắm hoa - hoặc đứng lặng im ngó sững những tán cây sao cao vút - thân cây to như cái bồ lúa  . Khi thì ngồi nghỉ dưới gốc cây mát rượi - chờ cơn gió thổi qua để đón những quả chong chóng xoay tít  tròn từ trên trời bay xuống ...Bây giờ - sau mấy chục năm thăng trầm - mình nghe kể rằng những cái cây " huyền thoại của mình " đã anh dũng hy sinh để" phục vụ "cho đời ! Ngôi chùa hôm nay vẫn êm ả và vắng lặng ...! Yên tĩnh đúng nghĩa !Lòng mình cũng nghe yên tĩnh lạ thường !

  Mình đi ra sau hậu liêu . Mình găp sư trù trì  rất già và rất  yếu . Vị lão hòa thượng này đã trụ trì ngôi chùa nầy đã lâu lắm rồi - nếu mình nhớ không lầm thì là trước 45 - Nghe ông anh mình kể thì ông đi tu lúc mới năm sáu tuổi gì đó và nổi tiếng tu hành chân chính cho tới giờ .
  - A di đà Phật ! bọn mình vái chào sư cụ
 - A di đà Phật ! sư cụ giọng run run đáp lại
- Bạch thầy ! thầy đã bớt bịnh chưa? ông bạn mình ân cần .
- Mô Phật ! Vẫn còn là con bệnh của bs Nhơn đấy thôi !
- Thầy ơi !  thầy không có thị giả hở thầy ? mình buột miệng bộp chộp
Sư cụ cười thành tiếng :
 - Thị thiệt cũng không ...làm gì có thị giả ...!
Bọn mình cũng  phải bật cười theo sự hài hước của sư cụ

  Sau đó bọn mình  xin phép lên chánh điện thắp nhang . Mình  khá ngỡ ngàng khi thấy trên các lư hương chỉ có vài que chân hương !Tuy vậy bàn thờ Phật vẫn trang nghiêm vẫn chỉn chu vẫn ấm cúng  . Khi bọn mình  lạy Phật , mình bỗng giật nẩy mình bởi tiếng chuông thánh thót ngân vọng - vang vọng vào tận tâm can .. ! Thì ra sư cụ đã lần theo sau bọn mình và ưu ái  đánh chuông cho bọn mình lạy Phật ! Mình thật muốn ứa nước mắt khi nhớ lại chi tiết này !

    Trong không gian tỉnh lặng , mình nghe thấy tiếng chuông dường như trong hơn , dài hơn và ... ấm hơn bao giờ hết !

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Vì bông hồng trắng

    MÙA VU LAN TÔI BỖNG NHỚ...
       

      Trên dòng kinh đào Chẹt Sậy vào những năm 196x có một ông câu tuổi tứ tuần hàng ngày vẫn lênh đênh , mãi miết giăng câu , trên chiếc xuồng ba lá .
      Ông đã cưới vợ và đã được bốn đứa con xinh xắn . Ông  rất yêu vợ và rất thương các con .Tuy vậy điều nầy chỉ có vợ ông là hiểu ông mà thôi . Bởi vì người ta cứ thấy ông  túc trực suốt ở trên xuồng hơn là ở nhà .Vợ ông đã thuê người che hai cái mái lá trên xuồng để những đêm ông ngủ lại thì không bị gió lạnh .Ông nhìn vợ ông bằng một cái nhìn âu yếm và cảm động .
        Ông có cô con gái lớn tính tình như con trai . Cô bé thích đi theo cha dập dềnh trên sông nhất là những đêm trăng sáng !Cô bé cũng ngồi hàng giờ im lặng ngó trời , ngó mây , ngó sông, ngó nước, ngó bờ , ngó cây ; rồi ngó cá bắt chim ; rồi  ngó chim bắt cá ...; rồi  ngó cha cũng đang im lặng ngó mông lung ...Chán rồi cô bé lấy cuốn quốc văn giáo khoa thư ra đọc ..Lâu rất lâu thì họa may cái pho tượng sống ấy mới quay lại :
   - Con đói bụng chưa ?
  Hoặc :
   -Tới giờ đi học rồi , ba đưa con về nghe! .
   Mới mười tuổi nhưng cô bé cũng cảm nhận được lờ mờ rằng cha mình có nỗi niềm gì đó u ẩn lắm..
              "Chiều chiều ông lữ đi câu
              Cá ăn đứt nhợ mang râu chạy về ".
Mẹ cô bé  hay hát ru em như vậy và kín đáo ngó trộm cha cô .Ông chỉ cười -rất hiền -cô bé không đọc được điều gì nữa trên gương mặt u trầm của cha .

       Khuya đêm nay trăng không sáng .  Gió hơi lạnh . Cô bé năm xưa trở về nơi dòng kinh năm xưa .Cha cô  mất đã  ba mươi năm rồi, nhưng mỗi lần nhớ đến cha ,cô đều ứa nước mắt.Cha cô không thiếu học  vấn, không thiếu tri thức nhưng ông lại nghèo thời  vận và lại giàu lận đận . Do đó cái bằng Thành Chung ( Diplôme ) của ông bỗng trở nên tấm giấy lộn khi ông nghe lời bác của cô  bỏ hết công việc trên thành để trở về quê phục vụ cách mạng . Cuộc đời của ông sang trang  kể từ khi ông đặt bước chân đầu tiên về khu vườn khế ngọt. Từ một viên thông ngôn lịch lãm ba cô bỗng chốc trở thành thành một ông nông dân chính hiệu _  " nhà cách mạng " này bỗng nhiên hụt hẫng và trở nên  lầm lì ...  Từ đó hình như ông kém gần gũi với vợ và các con  .Và sau chiến tranh,   nhà cách mạng này không được hưởng chút quyền lợi gì ngoài mấy lần bị ngồi tù trong khám của chính phủ VN CH .Chưa kể vụ vợ ông suýt bị đi "cải tạo "   vì bị người ta ganh ghét tố cáo hãm hại ; chưa kể con gái của ông suýt bị  phải thôi học vì sợ bị ghép tội làm "gián điệp "cho địch   ...

    Ôi tôi thương quá ba tôi  !Ông  là một người hiền lương hiểu hạnh mà vì lỗi số bạc phần nên  phải chịu lắm lao đao  ,nhiều   lận đận.

Trăng non  mùng mười yếu ớt tỏa một màu vàng nhẹ rụt rè lên mặt sông nhè nhẹ sóng . Tiếng côn trùng rền rĩ họp ca nghe thật buồn não nuột . Bỗng trong cùng một giây chúng cùng ngừng một lượt - điệu nghệ như có một sự điều khiển của một nhạc trưởng vô hình - làm cho miền quê trở nên yên ắng đến lạnh người . Một ngọn gió đêm đưa một âm thanh u ẩn  len lỏi qua các ngọn cây như muốn khua động không gian :

"...Ai đã làm chi cho đời ta 
Cho đời tàn tạ lòng băng giá 
Sương mong manh quạnh chớm thu già..."

Tôi giật mình ra khỏi giấc chiêm bao . Tiếng ngâm thơ của ông bạn già của tôi nghe sao mà áo não quá . Ông con rễ nầy cuộc đời cũng không kém phần lận đận hơn cha vơ - không " lạc đệ" mà cuộc đời "lạc đệ "; cũng mang nỗi lòng của thi sĩ Vũ Hoàng Chương .
Tôi lại đọc thơ VHC để ghẹo  :" Năm gã thư sinh vừa lạc đệ "'''
Ông bạn tôi giẩy nẩy :
- Nói lại đi nha , ai " lạc đệ " hồi nào ?
- Hihi...Không "lạc đệ" mà ...là "lạc đệ" , ông bạn ơi !
Tôi nói câu nầy nghe như hài hước mà ẩn ý thật vô cùng xa xót - bởi vì đó là một lời trách nhẹ ông trời; đó là những lời thương cảm  tôi dành cho rất nhiều người thuộc thế hệ tôi - những người trót sanh  nhầm thế kỷ, sanh bất phùng thời ; trong đó có ông bạn già của tôi và trước hết - dĩ nhiên- tôi dành cho  ba thân yêu của chúng tôi !
 Ông bạn tôi ngẫm nghĩ rồi cũng " nhất trí" cao :
  - Ừ nhỉ !!!