Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

ngõ sau

Nhà thời nay thường không thấy có cửa sau
 ( mặc dù người ta vẫn thường đi giao dịch theo lối cửa sau )
Nhà tôi cũng không có cửa sau
Nên tôi không thể nào ra đứng ngõ sau
 để hát câu " chiều chiều ..."
 để " thương về quê mẹ ..."
nhưng mà
 Sao lắm lúc tôi vẫn nghe " ruột đau chín chiều.. "
 Có phải vì rằng mẹ tôi đã không còn nữa !
Cũng có thể vì rằng  ( vài nguyên cớ khác ...vân vân ...)
 Vậy thì ...
 Nhà ơi , em đâu cần phải có ngõ sau ...

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Hoa lục bình






 Ta thương em lục bình
 Suốt đêm ngày lờ lững
 Theo con nước lớn ròng
 Mặc sóng đời hờ hững

 Ta thương em bạc  phận
 Vẫn không buồn kêu ca
 Dẫu nhọc nhằn lận đận
 Vẫn âm thầm nở hoa

 Thoảng một cơn gió nhẹ
 Vẳng tiếng em thầm thì ..
"Hãy thật lòng tự thú
Thương mình hay thương hoa ! "




Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Tôi và Em và ngày 20/11

Hôm nay ngày của Tôi
Cũng là ngày của Em
 Ngày của những dấu lặng ...
 Vì cuộc đời thay tên...

Thăm Tôi Em lại đến
 Thăm Thầy Tôi lại đi
 Tôi Em cùng gặp gỡ
  Ảo tưởng trên đường về

 Em bây giờ đã lớn
 Tôi bây giờ phôi pha
Thuyền xưa xa dần bến
 Khoảng cách làm chia xa !






Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Lan man án oan ...

   Mấy hôm rày đài báo nói nhiều vệ vụ chịu án oan của ông Nguyễn thanh Chấn , tôi chợt nhớ đến vụ án Lệ chi viên và vụ án vợ chàng Trương . Ông Nguyễn thanh Chấn bị oan 10 năm trong nhà lao cũng may còn sống sót trở về với gia đình và bên người thân một số ngày còn lại  của cuộc đời . Còn cụ Nguyễn Trãi cũng vì bị án giết vua - tuy cũng chỉ có một người - nhưng vì người đó là vua nên ba họ nhà cụ đều phải trả giá cho cái tội ( !!! ) của cụ . Giả tỷ mà hồi đó cụ có tình cờ được may mắn trở về như ông Chấn thì thiết nghĩ không còn là may như ông Chấn nũa rồi bởi vì phần còn lại của  đời cụ sẽ bị dằn vặt vì mang tội giết ba họ nhà mình- chứ chẳng có một quan tòa nào ray rức .
 Khá trách cho những người nhân danh luật pháp  được quyền cầm cân công lý mà đã tùy tiện  lợi dụng quyền "khai đao "mà vô tư  phát lệnh "trảm " . Có khi chỉ cần sai một dấu chấm , hoặc thừa một dấu phẩy thì câu văn đã có nghĩa hoàn toàn khác rồi , huống chi một vụ án còn  vài tình tiết chưa được rõ ràng minh bạch mà đã nhanh chóng luận tội và kết án thì tránh sao khỏi hàm oan .
  Hồi đó khi học bài thơ của vua Lê Thánh Tông đề " Miếu vợ chàng Trương " tôi và bạn thân cùng chợt buồn mấy ngày . Chúng tôi trách chàng Trương hồ đồ nông cạn ngu dốt u mê không hỏi rõ ngọn ngành để vô tình gây ra cái chết cho vợ  :.Chúng tôi cũng trách người vợ không bình tĩnh giải thích khi nghe trẻ nói  cha chỉ về lúc ban đêm ; sao không nghĩ đến việc mình đã từng gieo vào đầu con trẻ cái khái niệm cha qua cái bóng của mình và từ lâu nay con trẻ chỉ biết cha qua chiếc bóng của mẹ
  Qua năm tháng chúng tôi ngộ ra rằng có một sự tương đồng giữa Thầy thước và Thẩm phán : Họ có quyền cứu người và họ cũng có thể giết người - tùy thuộc vào cái tâm - mà sự sống và sự chết của một con người khi vào tay họ thì chỉ có một lằn ranh mong manh như sợi tóc !

 Nếu chỉ vì để đạt tới một mục đích nào đó mà họ không thèm để ý tới tâm tới đức thì ... cái được  gọi là công lý mãi mãi  chỉ là ảo ảnh ...

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Dù ngẩng vẫn cứ thấp ? !

      Tôi xem TV thấy chiếu một đoạn clip dân mình chen lấn nhau để nhận mũ bảo hiểm mà nghe xót xa và ngường ngượng . Xót thì hẳn đã xót rồi . Vì sao nên nỗi !? Có lẽ cái máu chen lấn nó đã ăn sâu vào tim óc dân mình từ sau 75 rồi chăng. Hồi đó tôi nhớ cứ khoảng ba giờ sáng - tới hạn mua nhu yếu phẩm - thì a lê hấp ông nhà tôi cũng như các bạn công nhân viên chức & gv như bọn tôi ba chân bốn cẳng mắt nhắm mắt mở chay mau đến xếp hàng ở cửa hàng thương nghiệp để được tha  về khoảng non 700gr thịt hoặc cá cho 2 khẩu phần ăn trong tháng ; hoặc 27 kg gạo khá mốc và sạn ; hoặc 1/2 kg xà phòng kem ,...vân vân . Có khi đến tận hơn mười giờ mới thấy ổng ì ạch ( vì nãn vì mệt vì  đạp xe cà tàng bốn lốp ) xuất hiện với bộ mặt đưa đám vì không mua được hàng . Vợ yêu lại chì chiết :
 - Tại sao đi sớm như thế mà không mua được hàng ?
 - Mình đi sớm họ cũng đi sớm
  - Chứ không phải ông nhường cho người ta , ông thì cứ cái tánh sĩ . Thời nầy mà sĩ thì chết ông ơi
  - Sĩ sĩ sĩ cái con khỉ ...bà hỏng biết và không thấy cái cảnh thân thế quen biết nó chen ngang chứ đách có xếp hàng ...
  -Biết ngay mà , vì mình cô thân nên ..nên ...xếp hàng cả ngày ...!
  - He he ...bà nói câu nầy hay nhất ...
Vậy đó ! Có ai chú ý đến cái gọi là văn hóa đâu mà ta hòng thể hiện . Muốn có được công bằng cho ta thì tốt nhất ta tự thực thi tự tạo cho mình . Ai có sức dùng sức ; ai có thân dùng thân , ai có thế dùng thế ;  ai có mưu dùng mưu ,...quý hồ ta có được cái ...ưu tiên - cho dù có gây bất công cho người khác . Riết rồi ai còn cố gắng giữ gìn nếp văn minh hoặc  công bằng đều bị coi là hâm là dở hơi là cá biệt . Rồi vì người lớn là tấm gương sáng cho trẻ con noi theo cho nên không ai dạy mà lớp sau luôn cao hơn lớp trước về cái khoản tự tìm ưu tiên cho mình . Về sau nầy , dù không còn khổ sở vì miếng ăn nữa nhưng người ta cũng vẫn còn mang nặng cái tập tính lo sợ bị tranh mất phần vì tự lúc nào  niềm tin của họ vào cái sự gọi là công bằng đã bị cướp mất ...Bởi vậy nên người ta luôn ở tư thế sẵn sàng giành giật , sẵng sàng  tranh hơn nhau mọi thứ - một cách sỗ sàng lỗ mãng -càng bất công càng tốt - Và thế là luôn có chen lấn lấn chen mặc dù đi tàu xe đã có vé , khám bệnh đã có số thứ tự  ...

  Và tôi không thể không ngượng với nhỏ bạn tôi đang không còn cùng quốc tịch Việt với tôi nữa từ vài chục năm nay . Bởi tôi và nó đã từng cá cược về cái vụ xếp hàng nầy . Và nó đã nói chắc như đinh đóng cột rằng  "...đứa bé là cha người lớn ; ai ăn cắp cái trứng thì sẽ ăn cắp con bò "
 Ha ha ...Vậy bảo sao tôi không ngượng  chứ ?!